Nhắc đến Huế, người ta vẫn thường nhắc đến một thành phố với màu tím thơ mộng bên sông Hương. Hay đơn giản hơn, là một cố đô với biết bao di tích lịch sử, đặc biệt là các kiến trúc đền, chùa, lăng tẩm. Tuy nhiên, ở nơi linh thiêng này còn có một kiến trúc độc đáo hơn. Đó là Hổ Quyền- một phần của quần thể di tích cố đô. Tương truyền, đây là từng là một chuồng nuôi nhốt hổ. Đồng thời, đó cũng là nơi diễn ra các trận đấu giữa hổ và voi trong những dịp tế thần, nhằm thỏa mãn thú vui của quan lại, vua chúa thời xưa.
So với đấu trường Colosseum của Italia, quy mô của Hổ Quyền không quá lớn. Song, đây lại được coi là di tích có kiến trúc độc đáo bậc nhất, không chỉ đối với Việt Nam mà còn là của toàn châu Á. Công trình được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng. Trong đó, lối thiết kế lộ thiên theo kiểu vành khăn được coi là chưa từng có trong lịch sử bấy giờ. Cho đến nay, Hổ Quyền vẫn được coi là đấu trường cổ nhất và độc đáo nhất Việt Nam. Tất nhiên, chúng cũng chưa từng xuất hiện trong tất cả các thiết kế kiến trúc trên toàn thế giới.
Hổ Quyền nằm ở khu vực nào?
Cách trung tâm Tp.Huế khoảng 5 km về phía tây, Hổ Quyền tọa lạc ngay trên vùng đồi Long Thọ. Nay thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế. Đây được xem như là công trình “độc nhất vô nhị” của Việt Nam và của cả ở thế giới.
Thời vàng son, đấu trường từng là nơi diễn ra của những trận thư hùng giữa voi và hổ. Thậm chí, chúng còn được ghi lại, đã đi vào sử sách. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng tầm của thời gian và chiến tranh, công trình độc đáo này hiện đang xuống cấp khá trầm trọng.
Hổ Quyền có kiến trúc gì độc đáo?
Đây là một công trình lộ thiên có dạng hình vành khăn. Và đây cũng là một trong số công trình có kiến trúc hoành tráng vào thời bấy giờ. Vòng thành trong có chiều cao 5.9 m. Trong đó, vòng thành ngoài có chiều cao 4.75 m. Chu vi tường ngoài của Hổ Quyền là 145 m. Đường kính lòng chảo của đấu trường là 44 m. Vât liệu xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa.
Quanh vòng tường thành có thêm trổ 5 chuồng cọp và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào sân đấu. Khu khán đài dành cho vua ngồi quay mặt về hướng Đông Nam. Đồng thời, chúng cũng được xây cao hơn hẳn so với những vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là một hệ thống bậc cấp đi lên. Trong đó gồm 24 cấp dành cho vua, các hoàng thân quốc thích và đại thần. Bên phải có một hệ thống bậc cấp khác được xây tương tự. Song lối đi này lại dành cho quan chức và binh lính. Đối diện với khán đài của vua ngồi là 5 chuồng cọp được xây nằm liền kề nhau. Trong đó, chuồng ngoài cùng bên trái có cổng to hơn các chuồng còn lại.
Mục đích xây dựng
Ông Hồ Tấn Phan, (Nhà nghiên cứu văn hóa Huế) cho biết: Hổ Quyền ở kinh thành Huế là một công trình có kiến trúc hết sức độc nhất vô nhị, không chỉ mỗi ở Việt Nam mà còn của thế giới. Tuy nhiên, khi xét về quy mô, nơi này không thể sánh bằng đấu trường Colosseum (Italy) nổi tiếng. “Trên thế giới từ cổ chí kim, chưa có triều đại nào trong lịch sử cho xây dựng hẳn một công trình phục vụ cho việc chiến đấu giữa hổ và voi“, ông Hồ Tấn Phan cho biết.
Cửa dành voi đi nằm về ở phía bên phải khán đài. Kích thước rộng 1.90m, cao gần 4m và có hai cánh bằng gỗ lớn (hiện nay không còn), bản lề bằng đá.
Hổ Quyền trong lịch sử dân tộc
Trận thư tử chiến giữa voi và hổ thường chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức và cũng là người điều khiển. Đồng thời, đây cũng là những khán giả cổ vũ nhiệt tình cho trận đấu, cho đến khi voi quật chết hổ mới thôi.
Theo sử sách, những trận đấu này không chỉ mang tính giải trí thông thường. Nó còn xuất phát từ chính nhu cầu rèn luyện tượng binh, là một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong. Đồng thời, đó cũng là lễ hội lớn do triều đình tổ chức nhằm khích lệ tinh thần thượng võ trong từ lòng dân chúng.
Dưới thời vua Minh Mạng, trong một trận huyết chiến một con hổ hung dữ đã bất ngờ nhảy lên trên khán đài khiến mọi người kinh hãi. Vì vậy, đến dưới thời vua Thành Thái, đã cho xây dựng nâng khán đài lên cao hơn.
Trận đấu cuối cùng diễn ra tại Hổ Quyền tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian, di tích đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Từ năm 2018, Di tích Hổ Quyền được trùng tu như ngày nay.
Nguồn: Khamphadisan.com.vn