Nét đẹp truyền thống của lễ hội chợ Đình Bích La ngày nay

Nét đẹp truyền thống của lễ hội chợ Đình Bích La ngày nay

Ngoài các kiến trúc thời cổ xưa mang giá trị lịch sử cao thì một số lễ hội truyền thống cũng góp phần xây dựng lịch sử văn hóa Việt Nam. Đến nay các lễ hội truyền thống đã không còn xuất hiện nhiều. Tuy nhiên một số nơi vẫn còn giữ gìn phong tục tập quán từ xa xưa. Trong đó, lễ hội chợ Đình Bích La nổi tiếng từ rất lâu về trước ngày nay vẫn được tổ chức hằng năm. Phiên chợ mang một nét văn hóa của người dân Việt Nam nói chung và người dân ở làng Bích La nói riêng.

Chợ Đình Bích được xây dựng trên vùng đất màu mỡ với cảnh sắc yên bình. Khi đến đây tham quan bạn sẽ không thể bỏ lỡ những lễ hội truyền thống này bởi nó mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Những câu chuyện gắn liền nơi đây góp phần làm nên sự tín ngưỡng của người dân đối với đình Bích La. Với hi vọng một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc, người dân làng Bích La luôn thờ cúng trang nghiêm. Những câu chuyện tưởng như tâm linh nhưng nó thật sự đã xuất hiện và được nhiều người đời trước kể lại.

Niềm tự hào của làng Bích La

Niềm tự hào của làng Bích La

Chợ Đình Bích La là lễ hội độc đáo, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 03 Tết Nguyên Đán tại chợ Đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong.

Làng Bích La lâu nay vốn được biết đến là đất địa linh nhân kiệt; đồng đất nơi này đã nuôi lớn bao bậc danh nhân; trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng…

Truyền thống tổ chức chợ đình của người Bích La có từ thuở xa xưa. Hẳn chẳng ai còn nhớ dấu mốc trọng đại ấy; nhưng nay phiên chợ này đã định danh là một nét văn hóa riêng biệt dành cho làng Bích La; thậm chí còn là một niềm tự hào đối với tỉnh Quảng Trị. Chợ chỉ họp một đêm duy nhất trong năm và chỉ bắt đầu vào lúc nửa đêm (đêm mùng 2 đến sáng 3 Tết âm lịch).

Câu chuyện được kể lại

Câu chuyện được kể lại

Tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, những bậc mở cõi của làng Bích La đã biết xây đình; trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết âm lịch, dân làng Bích La lại tề tựu về đình làng để thắp hương; tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước; như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy…

Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy tăm dạng; nhiều vị chức sắc trong làng cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, đó là năm mà người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, đời sống cơ cực trăm bề… Từ năm sau, dân làng Bích La đã tự bàn bạc nhau sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng ba Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình.

Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống; người hò hét để gọi cho bằng được “ngài rùa thần” nổi lên; ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. “Chuyện được kể từ đời này sang đời khác lâu dầu đã trở thành một sự thật hiển nhiên; đóng đinh trong tâm khảm mỗi người” – một cụ cao niên của làng Bích La nói.

Lễ hội đình Bích La trở thành một nét truyền thống

Lễ hội đình Bích La trở thành một nét truyền thống

Rồi điều tưởng như ngẫu nhiên kia cũng trở thành lệ; từ buổi ban sơ nặng tính tâm linh, chợ đình Bích La cũng từ đó mà thành tự bao giờ… Để rồi, trong đêm xuân âm lịch, giữa không khí Tết quê đang tỏa lan khắp xóm làng; không chỉ người dân Bích La mà cả du khách thập phương đã kéo về mảnh đình làng này “đi chợ”. Đêm Bích La như đêm trắng, mọi người dập dìu nhau; dạo qua những gian hàng đang bày bán những sản vật được làm nên từ bàn tay nông dân lam lũ, cùng “mua may, bán rủi”…

Vào ngày lễ, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Chính từ sự hội ngộ đầu năm đông đúc và mong ước cầu tài, cầu lộc, cầu sự bình yên, làm ăn may mắn; nên đã hình thành nên lễ hội chợ đình Bích La và trở thành lễ hội truyền thống của làng.

Một số thông tin về lễ hội

Một số thông tin về lễ hội

Hiện nay, lễ hội chợ đình Bích La được chia thành 3 phần rõ rệt. Phần “lễ” bao gồm các nghi lễ tâm linh, phần “hội”; với nhiều trò chơi dân gian và cuối cùng là phần “chợ”. Có khi phần “chợ” lại diễn ra trước cả phần “lễ” vì từ chiều mùng 2 Tết; người dân đã bày biện tại các gian hàng, các sản vật quanh đình để chào mời khách.

Khi màn đêm buông cũng là lúc chợ vào phiên. Cũng cần phải nói rằng, người làng Bích La đã dành những thứ tốt nhất; đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt còn đẫm sương đêm; những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối.

Nhưng hết thảy đó, phải là sản vật do chính người dân làm ra; phải được tạo nên từ đồng đất hương hỏa của mảnh làng này. Hầu như họ không mang hàng đến đây để bán kiếm lời; vậy nhẽ nào khách thưởng lãm, ghé “phiên chợ văn hóa” này lại mặc cả? Đây như một thế giới khác, mọi người đều nở nụ cười thân thiện. Điều này lý giải vì sao lễ hội một đêm này mỗi năm thu hút chừng 4 vạn lượt khách đến kiếm tìm lộc vận…

Nguồn: Didulich.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội